Hiện tại, giao thông kết nối giữa khu Nam và trung tâm Tp.HCM chủ yếu thông qua các tuyến đường như Nguyễn Hữu Thọ, cầu Kênh Tẻ, cầu Tân Thuận và Nguyễn Tất Thành.
Sắp tới đây, khu vực này thoát cảnh kẹt xe nhờ đầu tư 4 dự án giao thông nghìn tỉ: Cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cầu đường Nguyễn Khoái và cầu đường Bình Tiên.
Cầu đường Nguyễn Khoái với tổng vốn đầu tư hơn 3.700 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào cuối năm nay và hoàn thành vào năm 2027.
Dự án này được thiết kế để chia sẻ áp lực giao thông với các tuyến đường hiện tại. Dự án có tổng chiều dài gần 5km, trong đó phần cầu chính dài khoảng 2,5 km, phần đường còn lại dài hơn 2,3 km.
Tuyến đường này sẽ bắt đầu từ đường D1, kết nối Đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh, Quận 7, sau đó vượt kênh Tẻ và rạch Bến Nghé để nối vào đường Võ Văn Kiệt tại Quận 1. Các nhánh rẽ khác của cầu cũng sẽ được xây dựng để kết nối với Quận 4.
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được triển khai, nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Quận 7. Cầu Thủ Thiêm 4 có chiều dài 2,16 km, tổng mức đầu tư khoảng 4.840 tỉ đồng. Cầu này không chỉ giảm ùn tắc trên các tuyến đường hiện hữu như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, Huỳnh Tấn Phát, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Dự án dự kiến khởi công vào năm 2025, hoàn thành vào năm 2028.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh được xác định là trục xương sống tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn từ Nam Tp.HCM đi các quận, huyện miền Tây Nam Bộ với các vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, kết nối trục giao thông vành đai phía Đông. .
Cầu đường Bình Tiên cũng là một công trình trọng điểm của khu Nam Tp.HCM sắp triển khai. Dự án có chiều dài 3,2km và rộng 30m - 40m, nhằm giải quyết tình trạng quá tải tại các tuyến đường kết nối Quận 8 với trung tâm Tp.HCM.
Điểm đầu của dự án này sẽ nằm tại nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí (Quận 6), sau đó băng qua đại lộ Võ Văn Kiệt và kênh Tàu Hủ, trước khi nối vào đại lộ Nguyễn Văn Linh tại huyện Bình Chánh. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 6.200 tỉ đồng, thực hiện đầu tư theo hình thức BOT.
Dự kiến, cầu đường Bình Tiên sẽ khởi công vào cuối năm 2025 và hoàn thành năm 2028, tạo thêm một trục đường mới từ trung tâm Tp.HCM ra đường Nguyễn Văn Linh, đồng thời kết nối với Quốc lộ 50, Quốc lộ 1 và các tuyến cao tốc.
Thời gian qua, bất động sản khu Nam Tp.HCM có sự đổi thay khá nhiều nhờ lực đẩy từ hạ tầng giao thông. Các dự án có vị trí tọa lạc xung quanh tuyến đường Nguyễn Văn Linh nhận được sự chú ý của thị trường. Cùng với sự dịch chuyển đô thị ra vùng ven, việc giãn dân để giải quyết vấn đề chỗ ở cũng tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tập trung đầu tư dự án ở tuyến đường huyết mạch này.
Chẳng hạn, gần tuyến Nguyễn Văn Linh, mới đây Nam Long cùng đối tác Nhật bung quỹ căn hộ hoàn thiện cuối cùng Flora Panorama (thuộc Mizuki Park 26ha) kèm chính sách bán hàng hấp dẫn, nhiều ưu đãi. Nhờ tiện ích hiện hữu, lại tọa lạc ở vị trí huyết mạch của khu Nam, khu đô thị Mizuki Park đã hình thành cộng đồng cư dân với 3.600 gia đình dọn về ở. 71% diện tích của khu đô thị được dành để phát triển mảng xanh, tôn tạo kênh đào và các công trình tiện ích.
Cầu Cần Giờ là cây cầu quan trọng nối huyện Cần Giờ với Nhà Bè, vượt sông Soài Rạp với chiều dài khoảng 7,3km. Tổng mức đầu tư dự kiến của cầu Cần Giờ là hơn 10.500 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức BOT.
Dự án được khởi công vào năm 2025 và dự kiến hoàn thành vào năm 2028, thay thế cho phà Bình Khánh và kết nối huyện đảo duy nhất của Tp.HCM với khu vực trung tâm. Cây cầu hàng chục ngàn tỉ đồng này không chỉ cải thiện kết nối giao thông, mà còn thúc đẩy phát triển dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội phía Nam.
Hạ Vy (Nhịp sống thị trường)