Ngày 8-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ cử tri thành phố Cần Thơ, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và trả lời kiến nghị của cử tri thành phố. Thủ tướng cũng làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA – Ảnh: Baochinhphu.vn
TTXVN đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 8-7 đã tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và trả lời kiến nghị của cử tri.
Ông đánh giá, để nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững, tránh được tình trạng “được mùa, mất giá”, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần chú trọng xây dựng thương hiệu lúa gạo, sầu riêng, chôm chôm, xoài, vú sữa, măng cụt… chỉ dẫn địa lý, vùng nguyên liệu; ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì; ưu tiên tín dụng; triển khai các giải pháp mở rộng thị trường…
Để xây dựng các giải pháp đồng bộ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược cho Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải xem xét dự kiến đưa vào kế hoạch sửa chữa năm 2024 danh mục sửa chữa hư hỏng nền mặt đường, hoàn thiện an toàn giao thông đường song hành cầu Cần Thơ, Quốc lộ 1. Mặt khác, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bố trí vốn cho thành phố Cần Thơ để nâng cấp 7km Quốc lộ 91 qua Cần Thơ.
Chiều 8-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA, theo Baochinhphu.vn.
Cần Thơ là đô thị trung tâm, hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng là vùng đang được tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và các điều kiện cần thiết để sớm trở thành là một trong những vùng động lực tăng trưởng mới của cả nước, đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc như tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, các sân bay, đường thủy nội địa, cảng Cái Cui, nạo vét luồng Định An…
Trong phát triển đường sắt tốc độ cao, tinh thần của Chính phủ là ưu tiên tuyến TPHCM – Cần Thơ và đã giao Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan tư vấn nghiên cứu nội dung này. Đồng thời, Thủ tướng đã chỉ đạo tìm giải pháp hoàn thành dứt điểm dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ sử dụng vốn ODA của Hungary. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến thời điểm hiện tại, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành và đưa vào khai thác 171km cao tốc theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 (4 làn xe), trong đó đoạn Cao Lãnh – Lộ Tẻ mới hoàn thành đầu tư tuyến chính, đoạn Lộ Tẻ – Rạch Sỏi sử dụng mặt đường láng nhựa để chờ lún, Bộ Giao thông Vận tải đang đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại trong giai đoạn 2021-2025 để khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc.
Bên cạnh đó, 8 dự án giao thông khác cũng đang được triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác trong năm 2026 với tổng chiều dài 463km (tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng). Như vậy, đến năm 2026, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 554km đường cao tốc.
Theo T.Huy (Kinh tế Sài Gòn Online)